THAM QUAN BI LÂM Ở TÂY AN – BẢO TÀNG BIA CỔ LỚN NHẤT TRUNG QUỐC
Bi Lâm còn được gọi là rừng bia, là bảo tàng bia cổ lớn nhất Trung Quốc, là một thư viện khổng lồ và vô tận về kinh Phật, lịch sử và nghệ thuật thư pháp được điêu khắc và lưu truyền theo một cách vô cùng độc đáo. Ở đất nước này có tứ đại bi lâm, tức bốn rừng bia lớn, đó là: Ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây; Khổng Miếu – Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông; Địa Chấn – Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên; Nam Môn – Cao Hùng, Đài Loan.
Rừng bia nằm ở phía Tây Nam của một khu rừng rộng lớn thuộc thành Tây An với 2.300 tấm bia đá các loại, được phân bổ trong 6 nhà bia, 6 hành lang và 1 “bi đình”. Rừng bia khởi nguyên là miếu Khổng Tử của Quốc tử giám Kinh thành Trường An đời Đường. Đến thời Nguyên Hựu thứ 5 (1090), vì thấy đây là nơi lưu giữ bộ Khai thành thạch kinh và một số bia đá đời Đường, nên người ta có ý định đưa bia đá từ các nước khác về tập trung tại đây. Kể từ đó, các triều đại Nguyên, Minh, Thanh đưa thêm nhiều bia đá về đây làm nên một rừng bia đồ sộ về số lượng và loại bia. Đến nay nó đã trở thành là Viện bảo tàng nghệ thuật khắc đá cổ lớn nhất Trung Quốc.
Trước khi nói về những tấm bia, du khách hãy khám phá kiến trúc độc đáo của nơi đây. Bước qua tam quan với những cánh cổng sơn son dẫn tới một không gian rộng. Quan sát,du khách thấy một quần thể kiến trúc tạo thành trục vuông góc 45 độ so với tam quan ngoài mà du khách vừa đi qua. Tại đây, ngoài đầu trục chính có một tam quan gỗ với hai tầng mái trang trí rất đẹp, song lối vào lại xây gạch kín bưng, mặc dầu hai bên để trống thông thoáng. Đứng từ tam quan này nhìn vào trong, nổi bật một tam quan bằng đá, giữa có hai chữ “Văn Miếu”.
Giữa hai tam quan này có đường vào theo trục chính, hồ bán nguyệt đối xứng ở hai bên. Trung Quốc chỉ có Khổng Miếu ở Sơn Đông, quê hương Khổng Tử là lớn nhất và được xây hồ tròn, còn khổng Miếu ở các nơi khác chỉ được xây theo hình bán nguyệt. Người Trung Quốc hay nhúng bút lông xuống hồ bán nguyệt, quan niệm rằng bút sẽ mềm mại, chữ viết sẽ đẹp. Qua tam quan “Văn Miếu” đến cửa nghi môn, ai cũng phải dừng lại sửa soạn quần áo chỉnh tề trước khi vào bên trong.
Nổi bật là quả chuông Cảnh Vân to lớn, có từ đời Đường, đích thân Hoàng đế đúc để thỉnh chuông cầu phúc cho nhân dân Tây An được an bình. Ngựa đá có từ lâu đời đào được từ sa mạc Thiểm Tây.
Bây giờ mời du khách tiếp tục khám phá các nhà bia – mỗi nhà bia đều chứa những tấm bia với chủ đề khác nhau nhưng đều có giá trị vô cùng to lớn. Nổi bật nhất là phải kể đến “Bi đình”, một ngôi đình tuyệt đẹp là trung tâm của Bi Lâm. Ngay mặt trước của đình là tấm hoành phi đề hai chữ “Bi Lâm” cỡ lớn. Ngay chính giữa ngôi đình dựng tấm bia Thạch đài Hiếu kinh bi hình cột vuông, một kiểu bia hiếm thấy ở Trung Quốc. Hiếu kinh là một bộ trước tác kinh điển nhằm đề cao tư tưởng Nho gia, được tất cả các vương triều phong kiến Trung Quốc coi trọng. Vào đời Đường, niên hiệu Thiên Bảo thứ 4 (745) Đường Huyền Tông Lý Long Cơ đã nghiên cứu, chú thích và viết lời tựa cho bộ kinh kinh điển này. Sau đó, lời tựa do chính nhà vua tự thân viết chữ đã được khắc lên bia cùng với kinh văn Hiếu kinh. Chữ Thạch đài Hiếu kinh bi trên trán bia là do Hoàng thái tử Lý Hanh (Đường Túc Tông) viết. Toàn bộ thân bia gồm 4 tấm bia đá lớn ghép lại thành một cột bia vuông 4 mặt, cao 5,10m; đặt trên một bệ đá 3 tầng.
Trong nhà bia thứ nhất có 114 tấm bia được xếp hàng ngay ngắn, gồm 228 mặt bia với tổng số 650.252 chữ. Đây là bộ tùng thư nặng nhất thế giới, đồng thời nó cũng được coi là kho sách bằng chất liệu đá cổ kính nhất thế giới – đó chính là bộ Khai thành thạch kinh. Bộ Khai thành thạch kinh này được ra đời bởi sự kiện Đường Văn Tông Lý Ngang, vào năm 832 đã lệnh cho Quốc tử giám Tế tửu Trịnh Đàm cùng các đồng sự khám định 12 bộ kinh sách là Chu Dịch, Thượng Thư, Mao Thi, Chu Lễ, Nghi lễ, Lễ ký, Xuân thu Tả thị truyện, Xuân thu Công Dương truyện, Xuân thu Cốc Lương truyện, Hiếu kinh, Luận ngữ và Nhĩ nhã, rồi cho khắc lên đá để làm khuôn mẫu cho mọi người sao truyền học tập. Công trình vĩ đại này kéo dài suốt 5 năm, đến niên hiệu Khai Thành thứ 2 (837) đời nhà Đường mới hoàn tất và từ đó, nó đã được bảo tồn hoàn hảo đến tận ngày nay.
Ở nhà bia tiếp theo có trưng bày tấm bia Đại Tần Cảnh giáo lưu hành Trung Quốc bi nổi tiếng ghi lại tình hình truyền bá đạo Cơ Đốc vào Trung Quốc đời Đường. Hay bia chùa Đài Tần do giáo sĩ Cảnh Tinh soạn văn và Lã Thúc Nam viết chữ, nội dung tường thuật tỉ mỉ vị trí địa lý của nước Đông La Mã, điều kiện tự nhiên và sản vật phong phú của nước này cùng ý nghĩa của giáo lý Cảnh giáo, các phép tắc và quá trình truyền bá Cảnh giáo vào Trung Quốc. Thác bia này bị lưu lạc gần 700 năm mới tìm thấy và sau đó được in saothành nhiều bản đến Châu Âu, Mỹ, Nhật. Hay bia Minh đức thu kí nói về cuộc khởi nghĩa nông dân thời Minh. Trên bia ghi rõ lãnh tụ của nghĩa quân là Lý Tự Thành và việc xây dựng nước Đại Thuận với chính quyền nông dân của ông. Đồng thời tấm bia còn phản ánh tình hình cuộc sống bi đát của Kinh đô Trường An đương thời với những dòng như: “Tiểu mạch mỗi đấu 2 lạng 4 tiền; gạo mỗi đấu 2 lạng 6 tiền” và “Người ăn thịt người, chó cũng ăn thịt người”. Đây là những tư liệu chuẩn xác phản ánh nguyên nhân làm bùng nổ những cuộc khởi nghĩa nông dân thời đó ở Trung Quốc. Thông qua những tấm bia ở khu vực này, một phần lịch sử Trung Quốc được viết lại một cách chi tiết, tỉ mỉ và xác thực.
Nhà bia thứ ba có thể xem như một bảo tàng về nghệ thuật thư pháp. Nơi đây, ta bắt gặp tác phẩm của hầu hết các nhà thư pháp nổi tiếng Trung Quốc. Về lối Triện thư có bia Phong Sơn bi của Lý Tư đời Tần, lối Khải thư có bia Đường Đại Đạt Pháp sư huyền bí tháp bi do Liễu Công Quyền đời Đường viết, lối Thảo thư có bia Phán thiên gia tự văn của Trương Húc, lối Hành thư với bia do Đại Đường Tam Tạng Thánh giáo tự bi viết, còn có bia của Vương Hy Chi – người được tôn xưng là “Thư thánh” với nghệ thuật thư pháp đến mức trác tuyệt, cùng nhiều tuyệt tác phong cách thư pháp khác.
Tại những nhà bia khác và khu vực hành lang còn có rất nhiều bia của các đời Tống, Nguyên, Thanh, khắc ghi lại sự tích và công đức trong việc dựng chùa, sửa miếu, khai phá ruộng đất, đắp kè, xây thành… cùng các tác phẩm thơ văn của các đời. Chẳng hạn như bia Du Thiên Quan Sơn thi với chữ viết của Triệu Mạnh Phủ thời Nguyên. Bia Mạt Lăng Trương Xá tống Cối Kê Chương Sinh thi với chữ của Đổng Kỳ Xương đời Minh. Hay những tấm bia đời Thanh như Tứ Ngô Hanh thư của Hoàng đế Khang Hy và Du Hoa Sơn thi của Lâm Tắc Từ,…
Đến với Bi Lâm không chỉ được thăm thú một cảnh đẹp, độc đáo của thành Tây An mà còn được tìm hiểu một phần lịch sử rộng lớn, chiêm ngưỡng nghệ thuật thư pháp độc đáo của Trung Hoa mới thầm cảm phục và biết ơn những vị cao nhân tiền bối đã sáng tạo bất ngờ để hậu duệ có được kho tàng kiến thức tuyệt vời như thế. Du khách hãy đặt cho mình một tour du lịch Trung Quốc cùng PHM Travel để có cơ hội tham quan địa điểm nổi tiếng này nhé! Chúc các du khách có một chuyến vui vẻ!